Hàng loạt trường đại học trả lại học phí cho sinh viên

Thứ sáu, 06/01/2023 | 09:52 (GMT+7)

Sau khi Chính phủ yêu cầu không tăng học phí, có nhiều trường đại học thông báo trả lại cho sinh viên số tiền học phí chênh lệch do đã thu theo mức mới, cao nhất đến 24 triệu đồng một năm.

Sau khi Chính phủ yêu cầu không tăng học phí, có nhiều trường đại học thông báo trả lại cho sinh viên số tiền học phí chênh lệch do đã thu theo mức mới, cao nhất đến 24 triệu đồng một năm.

Chiều ngày 5/1, ông Nguyễn Anh Vũ - Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu, trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho biết, trường đã điều chỉnh học phí năm học 2022 - 2023 về mức thu bằng năm ngoái. Vào đầu năm học, trường đã tăng học phí khoảng 7% với chương trình chính quy và 3,5% với chương trình chất lượng cao so với hai năm trước. Sau khi điều chỉnh, học phí hệ đại học chính quy khoảng 246.500 - 290.000 đồng một tín chỉ, tùy ngành và tùy khóa học, sinh viên được hoàn trả 45.000 - 60.000 đồng mỗi tín chỉ.

Bên cạnh đó, có nhiều trường đại học khác cũng thông báo giảm học phí về mức cũ, theo yêu cầu không tăng học phí ở tất cả các bậc học của Chính phủ hôm 20/12.

Cụ thể, học phí các ngành chương trình đại trà của trường Đại học Luật TP HCM còn 18 triệu đồng một năm, giảm 13 triệu đồng so với mức trường đã thu. Các ngành hệ chất lượng cao có mức thu mới là 36 - 45 triệu đồng, giảm 3 - 17,5 triệu đồng, ngành Luật hệ chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh có học phí 150 triệu đồng, giảm 15 triệu đồng một năm.

Tại trường Đại học Kiến trúc TP HCM, các ngành học chương trình đại trà thu học phí 377.000 đồng một tín chỉ, giảm từ 7.000 đến 88.000 đồng. Với chương trình chất lượng cao, học phí dao động 1,2-1,6 triệu đồng một tín chỉ, giảm khoảng 222 - 366.000 đồng.

Còn tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM, ông Trần Vũ, Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, cho biết khóa sinh viên từ năm 2021 trở về trước được hoàn lại số tiền học phí chênh lệch 10 - 17 triệu đồng một năm. Riêng khóa tuyển sinh năm 2022, do là năm đầu trường thu học phí theo cơ chế tự chủ, không phải là tăng học phí, nên mức thu được giữ nguyên, khoảng 21 - 27 triệu đồng một năm.

Trường có mức học phí chênh lệch cao nhất sau khi điều chỉnh là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM. Hồi đầu năm học, trường này thu học phí theo cơ chế tự chủ với mức 16 - 60 triệu đồng mỗi năm. Sau khi trường điều chỉnh về mức học phí cũ, sinh viên khóa 2021 trở về trước được nhận lại khoảng 5 - 24 triệu đồng mỗi năm, tùy theo ngành và chương trình học. Riêng khóa tuyển sinh 2022, trường bắt đầu thu học phí theo đề án tự chủ nên mức học phí vẫn giữ nguyên.

Nhiều trường đại học thông báo trả lại học phí cho sinh viên

Các trường cho biết số tiền chênh lệch sẽ được trừ vào học kỳ hai của năm học này và các năm tiếp theo. Nếu là sinh viên năm cuối, các em sẽ được hoàn trả số tiền chênh lệch qua tài khoản ngân hàng hoặc nhận tiền mặt.

Đầu năm học 2022 - 2023, nhiều trường đại học công bố mức học phí tăng 30 - 70% so với năm ngoái do áp dụng mức trần học phí theo Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ về quản lý học phí. Học phí nhóm trường kinh tế dao động 16 - 65 triệu đồng một năm. Học phí khối trường Y dao động 13,5 - 100 triệu đồng một năm. Tại trường Đại học Y Hà Nội, học phí có ngành tăng 71% so với năm trước, ở mức 24,5 triệu đồng một năm. Còn trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch thu mức cao nhất là 44,3 triệu đồng một năm với ngành Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt. So với khi trường chưa tự chủ, mức thu này tăng gần ba lần.

Trả lời VnExpress hồi tháng 4/2022, đại diện một số trường đại học cho biết từ nhiều năm nay, chi phí đào tạo cho một sinh viên cao hơn so với học phí thu. Chi phí này được bù bởi nguồn ngân sách nhà nước được cấp, doanh nghiệp đầu tư và các nguồn thu từ chuyển giao khoa học công nghệ của trường. Khi thực hiện tự chủ, không còn bao cấp ngân sách, các trường phải cân đối thu chi để đảm bảo việc đào tạo, cơ sở vật chất và tiền lương giảng viên.

Tuy vậy, vì học phí tăng, đã có thí sinh phải từ bỏ ngành và trường mong muốn vì không kham nổi. Hôm 20/12, Chính phủ ban hành Nghị quyết 165, yêu cầu các địa phương, cơ sở giáo dục đại học giữ ổn định mức thu học phí năm học này như năm học 2021 - 2022, nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên, gia đình thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá, kiểm soát lạm phát.

"Chắc chắn nguồn thu của trường sẽ giảm khi giữ nguyên học phí như năm ngoái. Trường phải xem xét lại các khoản đầu tư chưa cần thiết và chi tiêu tiết kiệm hơn để đảm bảo tài chính cho các đề án đổi mới trọng điểm", ông Nguyễn Anh Vũ, trường Đại học Ngân hàng TP HCM, nhận định.

Ông Trần Vũ, trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết các trường thuộc Đại học Quốc gia TP HCM không được cấp bù chênh lệch học phí từ ngân sách địa phương nên việc không tăng học phí ảnh hưởng không nhỏ đến chiến lược phát triển của trường. Sau 2 năm liên tiếp không được tăng học phí, nhà trường đang phải cân đối lại chính sách tài chính, phần nào ảnh hưởng đến tiến độ các dự án, chính sách đầu tư phát triển của trường.

Còn PGS Trần Hoàng Hải, quyền Hiệu trưởng trường Đại học Luật TP HCM, cho biết đây là năm thứ ba liên tiếp trường không tăng học phí. "Dù nguồn thu không tăng nhưng trường vẫn phải chắt chiu để phát triển, đáp ứng nhu cầu người học và tăng lương để đảm bảo đời sống giảng viên, người lao động", PGS Hải nói.

Theo VnExpress

Nguồn: tuyensinhso.vn